Trong chuyên mục kinh doanh, marketing thường nhắc tới nhiều từ Chiến LượcStrategy ! vậy Chiến lược là gì ? Các kiểu chiến lược? Hoạch định chiến lược như thế nào ?

Dưới đây là bài viết rất chuẩn từ trang tin SBV – Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, nói rõ ràng & sâu sắc về chiến lược & các khái niệm chiến lược…

strategy
Chiến lược là gì? Các xây dựng chiến lược

Trong một vài thập kỷ trở lại đây, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, quan niệm và cách tiếp cận về hoạch định chiến lược phát triển một công ty, một ngành, một quốc gia. Xu hướng sử dụng cách tiếp cận tổng thể và sử dụng một khuôn khổ chiến lược, chính sách rộng lớn hơn thay cho các cách tiếp cận bộ phận với từng chính sách riêng rẽ cho từng lĩnh vực trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển ngày càng trở nên phổ biến. Sự chuyển đổi này được xem là một xu thế tất yếu xuất phát từ sự chật hẹp của các khuôn mẫu tư duy và cách tiếp cận bộ phận khi hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển đã không còn phù hợp cho sự phát triển trong giai đoạn mới – được dự báo là ngày càng phức tạp, liên ngành và đan xen nhiều biến dị bất quy tắc.

Sự thay đổi tư duy xây dựng chiến lược cũng đã diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trước tiến trình mở cửa nền kinh tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Lợi thế cạnh tranh từ các nguồn lực đã có nhiều sự thay đổi dựa trên cả các nhân tố bên trong và bên ngoài. Điều đó cũng tác động lên việc xác định chiến lược phát triển đối với toàn nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực ngành, từng doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tìm hiểu những khái niệm cơ bản về chiến lược và hoạch định chiến lược nhằm cung cấp một khung lý thuyết về vấn đề này.

1. Khái niệm chiến lược

Khái niệm chiến lược (strategy) bắt nguồn từ khái niệm “strategos” trong tiếng Hy Lạp cổ, có nguồn gốc từ lĩnh vực quân sự, nghĩa là vai trò của vị tướng trong quân đội. Đến thời Alexander Đại đế, khái niệm chiến lược được dùng để chỉ kỹ năng chỉ đạo để khai thác các lực lượng, đánh bại đối phương và tạo dựng hệ thống thống trị toàn cục. Quan điểm này được xây dựng dựa trên luận điểm cơ bản cho rằng có thể chiến thắng đối thủ – thậm chí là đối thủ mạnh hơn, đông hơn – nếu có thể dẫn dắt thế trận và đưa đối thủ vào trận địa thuận lợi cho việc triển khai các khả năng của mình.

Tại Châu Âu, khái niệm chiến lược đã thâm nhập từ lĩnh vực quân sự sang lĩnh vực kinh doanh vào cuối thế kỷ XIX, và sang đến thế kỷ XX thì các quan điểm này đã xâm nhập sang các lĩnh vực khác như quản lý nhà nước, quản lý các tổ chức phi lợi nhuận và quản lý nói chung.

Khái niệm “Chiến lược” theo quan điểm truyền thống

Thuật ngữ chiến lược xuất phát từ lĩnh vực quân sự với ý nghĩa khoa học về hoạch định và điều khiển các hoạt động quân sự đã bước đầu xâm nhập sang lĩnh vực quản lý kinh tế và xã hội, dần được mô tả một cách chi tiết các nội hàm của nó, bao gồm cả nội dung và phương thức thực hiện.

Alfred Chandler (1962) định nghĩa: Chiến lược là tiến trình xác định các mục tiêu cơ bản dài hạn của tổ chức, lựa chọn các cách thức hoặc phương hướng hành động và phân bố các tài nguyên thiết yếu để thực hiện các mục tiêu đó.

Theo cách định nghĩa này, chiến lược là một quá trình với nội dung xác định mục tiêu và đảm bảo các nguồn lực cũng như những chính sách chủ yếu cần được tuân theo trong khi sử dụng các nguồn lực này để đạt được mục tiêu. Về hình thức, chiến lược có thể được định ra như là kế hoạch hoặc sơ đồ tác nghiệp tổng quát chỉ hướng cho tổ chức đi đến mục tiêu mong muốn.

Vào giữa thập niên 1970, nhờ vào những nỗ lực của Nhóm tư vấn Boston (BCG – Boston Consulting Group), hầu hết các doanh nhân đã trở nên quen thuộc với khái niệm và tính cấp thiết của việc xây dựng chiến lược.

Một số định nghĩa mới hơn được đưa ra nhưng vẫn khá tương đồng với khái niệm chiến lược của Alfred Chandler như định nghĩa của Kenneth R.Andrew (1971) cho rằng : Một chiến lược là “định nghĩa công ty đang hoặc sẽ thực hiện điều gì, đang hoặc sẽ trở thành như thế nào, bằng mô hình mục tiêu chính (Objectives), mục đích (Purposes) hay đích đến (Goals) và những chính sách và kế hoạch (Plan) chính yếu để đạt được mục tiêu đó”.

Định nghĩa của Jame B. Quinn (1980): Chiến lược là một dạng thức hay một kế hoạch phối hợp các mục tiêu chính, các chính sách và một chuỗi hành động được kết dính với nhau vào thành một tổng thể.

Khái niệm “Chiến lược” theo quan điểm cạnh tranh

Chiến lược theo quan điểm cạnh tranh được phát triển bởi Michael E.Porter trong những năm sau thế chiến thứ II. M.E.Porter nhấn mạnh sự khác biệt giữa khái niệm chiến lược (strategy) và khái niệm hoạt động hiệu quả (operational effectiveness). Hoạt động hiệu quả nghĩa là thực hiện các hành động tương tự nhưng tốt hơn đối thủ.

Trong khi đó, chiến lược là thực hiện những hành động khác biệt đối thủ, hoặc hành động tương tự trên một cách thức hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt được nhấn mạnh một cách quan trọng trong quan điểm của M.E.Porter để tiến tới mục tiêu định vị tổ chức trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. Chiến lược cạnh tranh xoay quanh vấn đề tiềm lực của doanh nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu trong mối liên quan với đặc trưng thị trường và tiềm lực tương ứng, điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh.

M.E. Porter thậm chí đã phát triển quan điểm về chiến lược cạnh tranh của mình thành hệ thống khái niệm cạnh tranh quốc gia, trong đó tập trung vào năng lực cạnh tranh quốc gia, lấy yếu tố năng suất làm trung tâm cốt lõi, phát triển các ngành, nhóm ngành có năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia.

Khái niệm “Chiến lược” theo trường phái “tự phát” (emergant)

Thomas J.Peters và Robert H.Waterman Jr. (***) là những người đi đầu trong việc phát triển khái niệm chiến lược theo trường phái “tự phát”, đối lập với trường phái “thủ cựu” (Positionist) của Micheal Porter.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai trường phái này không nằm ở nội dung của chiến lược mà ở cách thức xây dựng chiến lược. Micheal Porter cho rằng bộ phận xây dựng chiến lược của tổ chức nên thực hiện phân tích lý thuyết, quyết định lợi thế cạnh tranh mà tổ chức của mình muốn sử dụng, căn cứ vào đó để xây dựng chiến lược, tiếp đến mới là thực thi chiến lược đó.

Ngược lại trường phái “tự phát” cho rằng phương pháp xây dựng chiến lược của trường phái “thủ cựu” là lối tư duy quá đơn giản khi cho rằng lớn hơn là tốt hơn, hay chi phí thấp là người chắc chắn thắng thế, và rằng công việc của một quản lý là ra quyết định. Thomas J.Peters và Robert H.Waterman Jr. gọi đó là “cách hành xử công việc theo kiểu “ngồi trong tháp ngà mà phân tích”, tức là căn cứ để ra quyết định thực thi lại tách biệt khỏi việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề trong quy trình vận hành thường nhật của công ty.

Do đó, các tác giả này cho rằng mỗi tổ chức hãy bắt đầu ngay lập tức (dù chưa có bất kỳ một văn bản chiến lược nào), với tất cả thế mạnh và điểm yếu của mình và hướng tới một lối đi đã vạch sẵn, khuyến khích các tổ chức nhìn vào thực tế, môi trường hoạt động của họ, tiến hành một chuỗi bao gồm: hành động, sai lầm, khắc phục, và tiếp tục hành động. Qua quá trình đó, chiến lược của họ sẽ xuất hiện.

Khái niệm chiến lược theo quan điểm hiện đại

Henry Mintzberg là đại diện tiêu biểu cho quan điểm hiện đại về khái niệm chiến lược. Theo nghiên cứu của ông, nội dung khái niệm chiến lược có thể bao gồm 5 yếu tố (5P) là: kế hoạch (Plan); mưu lược (Ploy); phương thức hành động (Pattern), định vị (Position) và triển vọng (Perspective).

  1. Chiến lược được hiểu là kế hoạch khi nó dùng để chỉ một hướng dẫn hoặc tập hợp các hướng dẫn cho quá trình diễn biến các hành động một cách có ý thức, được dự định trước, phù hợp với hoàn cảnh.
  2. Chiến lược là mưu lược (sách lược): là quan điểm xuất phát từ nguồn gốc quân sự của khái niệm chiến lược bao gồm nhưng biện pháp hành động để đối phó với kẻ thù. Cách hiểu chiến lược là kế hoạch thường mang ý nghĩa dài hạn hơn, còn cách hiểu chiến lược là mưu lược thường mang ý nghĩa ngắn hạn hơn, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo một mục tiêu dài hạn xuyên suốt.
  3. Chiến lược là phương thức: Mintzberg cho rằng chiến lược là sự nhất quán trong hành động dù có dụng ý hay không.
  4. Chiến lược là định vị: Với cách định nghĩa thứ 4, chiến lược một phương tiện để định vị một tổ chức trong môi trường của nó, gắn mối quan hệ giữa tổ chức và môi trường, giữa bên trong với bên ngoài.
  5. Chiến lược là triển vọng: Cách nhìn thứ 5 này lại được tiến hành từ bên trong của tổ chức. Nội hàm của nó bao gồm không chỉ chọn lựa định vị, mà còn là cách thức ăn sâu vào nhận thức, hay nói cách khác, nó xác định mong muốn phát triển từ bên trong tổ chức.

Cách định nghĩa thứ 5 gợi ý rằng tất cả các chiến lược như đã được định nghĩa ở trên đều tồn tại dưới dạng 1 khái niệm hay ý tưởng. Do vậy, không ai đã từng nhìn thấy chiến lược hoặc nắm được nó. Chính vì vậy, điểm quan trọng là chiến lược cần được chia sẻ. Chiến lược là một triển vọng được chia sẻ giữa các thành viên của tổ chức, thông qua sự chú ý của họ và/hoặc chuyển tải thành hành động của họ.

Xuyên suốt những cách hiểu khác nhau về chiến lược có thể thấy rằng:

  • Chiến lược là khái niệm thuộc khoa học quản lý, chỉ toàn bộ quá trình hình thành tư tưởng, quan điểm, định hướng; xây dựng kế hoạch, biện pháp; kết hợp các nguồn lực cần thiết và thực hiện chúng một cách thích hợp, nhất quán trong một thời hạn tương đối dài để thay đổi cục diện công việc hoặc chủ thể từ trạng thái hiện tại đến trạng thái mong muốn. Quá trình này thường được thiết kế trong một văn bản, được gọi là văn bản chiến lược (tuy nhiên, không phải là luôn luôn như vậy, có nghĩa là không phải khi nào thì một văn bản chiến lược cũng là cần thiết, và một tổ chức vẫn hoạt động có chiến lược ngay cả khi nó không có một văn bản chiến lược nào cả).
  • Chiến lược là tinh thần cơ bản của đường lối phát triển do con người định ra. Phạm vi bao quát và nội dung chủ yếu (hay trọng tâm) của chiến lược được thể hiện thông qua mục tiêu, hệ thống các quan điểm, biện pháp cơ bản về phát triển ở tầm cao, tầm tổng thể, dài hạn đối với sự phát triển của một đối tượng (hay của một hệ thống). Nó chỉ đạo hành động thống nhất của một cộng đồng hay một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nhằm đạt tới mục tiêu cao nhất, lớn nhất, tổng quát nhất đã xác định.
  • Chiến lược được đề ra đối với một đối tượng cụ thể chứ không có chiến lược chung chung. Chẳng hạn mỗi quốc gia nên và cần có một chiến lược về phát triển của đất nước mình; mỗi doanh nghiệp ngành vùng có chiến lược phát triển riêng. Đối tượng của chiến lược có thể là một quốc gia, một ngành, một lãnh thổ, một doanh nghiệp… Đối tượng quy định tính chất, phạm vi và nội dung của chiến lược. Chiến lược của cấp vi mô phải tuân thủ chiến lược phát triển của cấp vĩ mô.
  • Về bản chất, mọi chiến lược nói chung đều là phương tiện để tạo ra thay đổi, tức là nó gồm những gì nằm trong khoảng giữa ý đồ (mục đích và kết quả), hoặc giữa khả năng dự kiến và hiện thực đạt được. Kết quả hay hiện thực mới được tạo ra này phải chứa đựng những thay đổi nhất định từ bên trong. Khuynh hướng và chức năng chủ đạo của mọi chiến lược là phát triển.

2. Những đặc tính cơ bản của chiến lược

Chiến lược phát triển cung cấp tầm nhìn tổng quát, mục tiêu phát triển một công ty, một ngành, một quốc gia và tổng hợp các chính sách để thực hiện các mục tiêu đó. Đó là một phương tiện để quản lý, theo đuổi những lựa chọn để đảm bảo đối tượng chiến lược có khả năng cạnh tranh hướng đến phát triển. Chiến lược phát triển thường có 2 chức năng cơ bản là: chức năng phát triển và chức năng quản lý phát triển.

  • Tính hệ thống: Chiến lược phát triển phải có tính hệ thống và đã mang tính hệ thống thì nó phải có tính ổn định tương đối. Theo nguyên tắc động học, nếu tác động vào một hoặc một vài phân hệ thì sẽ ảnh hưởng tới tất cả các phân hệ khác còn lại. Vì thế chỉ xem xét một số phân hệ mà bỏ qua các phân hệ khác sẽ có thể làm cho hệ thống rối loạn hơn là làm cho hệ thống phát triển. Đó là vấn đề mà các chiến lược gia cần chú ý. Trên nguyên tắc hệ thống, chiến lược phát triển đề cập đến những vấn đề toàn cục, những vấn đề mang ý nghĩa điểm huyệt, có sức gây công phá lớn đối với sự phát triển của toàn bộ hệ thống.
  • Tính bao quát: Chiến lược phát triển bao quát những vấn đề dài hạn, vừa đề cập thỏa đáng những vấn đề ngắn hạn có tính quyết định (vì khi những vấn đề ngắn hạn được giải quyết sẽ tạo nền tảng vật chất để thực hiện những vấn đề dài hạn), vừa khuếch trương quy mô lớn vừa coi trọng quy mô vừa và nhỏ.
  • Tính chọn lựa: Thời kỳ chiến lược thường là khoảng thời gian 5 năm, 10 năm, tuy không phải là ngắn nhưng cũng không đủ để làm tất cả mọi việc. Trong khi nguồn lực phát triển là có hạn và luôn biến đổi. Các yếu tố huy động cho phát triển ở mỗi thời kỳ sẽ thay đổi. Do đó, chiến lược phát triển phải chọn lựa những vấn đề then chốt để tìm cách giải quyết.
  • Tính linh hoạt và mềm dẻo: Chiến lược phát triển phải có khả năng điều chỉnh nhanh, thích ứng rộng, phù hợp với hoàn cảnh.
  • Tính dài hạn: Những vấn đề lớn và phức tạp có ý nghĩa chiến lược thường cần nhiều thời gian để hoàn thành. Tuy nhiên, trong chiến lược có vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn, cũng có nhiều vấn đề phải được giải quyết trong thời gian dài.
  • Tính thời đại: Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Tính thời đại biểu hiện ở tính hiện đại, tính liên kết, không chỉ và không quá bó hẹp bởi ranh giới hành chính của một quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế sâu rộng, một quốc gia phải cùng các quốc gia khác phát triển. Những thành tựu của nhân loại phải được phát huy và những thất bại của thế giới phải được rút kinh nghiệm và tránh.
  • Tính cụ thể và tính lượng hóa: Tính cụ thể trước hết thể hiện ở việc mục tiêu chiến lược phải cụ thể các vấn đề trọng yếu mà chiến lược đề cập (hay những nhiệm vụ chiến lược phải làm), các bước thực hiện và tổ chức thực hiện cũng phải được thể hiện một cách cụ thể. Tính lượng hóa được thể hiện ở việc làm rõ mục tiêu tổng quát cần tính toán dự báo các chỉ tiêu cụ thể. Các chỉ tiêu cụ thể phải được tính toán và thể hiện bằng con số với biên độ nhất định nhằm cụ thể hóa mục tiêu tổng quát của chiến lược.

Như vậy, Chiến lược phát triển phải là một văn kiện chứa đựng tinh thần cơ bản của đường lối phát triển (một công ty, một ngành, một quốc gia) cho một thời kỳ dài hạn, nó phản ánh chủ đề ý tưởng tổng quát, cơ bản về phát triển; nó bao quát mục tiêu, hệ thống các quan điểm chỉ đạo, cách thức và phương tiện biến mục tiêu quan điểm ấy thành hiện thực về phát triển một công ty, một ngành, một quốc gia trong thời kỳ chiến lược.

3. Hoạch định chiến lược

Đạo luật về hoạch định và giám sát thực hiện chiến lược của Bang California – Mỹ năm 1994 có viết: “Lập kế hoạch chiến lược là một điều kiện tiên quyết để đánh giá hiệu quả hoạt động và hiệu suất ngân sách”. Việc lập kế hoạch chiến lược được xác định là một công việc cần thiết bởi vì nó giúp cho các cơ quan điều hành của Chính phủ có thể xác định được những công việc mà cơ quan này có thể làm để giải quyết những yêu cầu, kỳ vọng từ dân chúng, trong bối cảnh mà những thách thức để quản lý ngày càng trở nên phức tạp, và các nguồn lực bị hạn chế. Kế hoạch chiến lược được hình thành dựa trên phương pháp tiếp cận dài hạn, nhưng vẫn có thể sử dụng để đánh giá và cập nhật thường xuyên để kiểm tra tiến độ và đánh giá lại giá trị của kế hoạch dựa trên các vấn đề chiến lược được phát hiện mới trong nội bộ hay từ bên ngoài, bởi vậy, nó vẫn đảm bảo và thậm chí gia tăng khả năng thích ứng của cơ quan quản lý trước những thay đổi của môi trường. Hoạch định chiến lược là một phần của quản lý chất lượng. Chức năng định hướng phát triển và quản lý phát triển cũng giúp cho các nhà điều hành trở thành người quản lý tương lai chứ không phải là bị chi phối bởi tương lai.

Hoạch định chiến lược không phải là lập kế hoạch dài hạn, hay nói cách khác nó không có mối liên thông nào với một nền kinh tế kế hoạch như chúng ta đã thấy trước đây. Hoạch định chiến lược phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định và giải quyết các vấn đề, trong khi kế hoạch dài hạn tập trung nhiều hơn vào qui định cụ thể mục tiêu và chuyển chúng thành chương trình hành động và ngân sách hiện tại. Hoạch định chiến lược cũng nhấn mạnh việc đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài nhiều hơn so với kế hoạch dài hạn. Chiến lược thể hiện sự thay đổi về chất trong chỉ đạo, bao gồm một phạm vi rộng hơn, gồm cả các kế hoạch dự phòng, trong khi kế hoạch dài hạn thường chỉ là ngoại suy tuyến tính của hiện tại (xem hình dưới).

Chiến Lược là gì ? Cách hoạch định chiến lược 3

Các thành viên tham gia quá trình hoạch định chiến lược

Lập kế hoạch chiến lược là nỗ lực của một nhóm. Nó liên quan đến tất cả các cấp và các đơn vị chức năng, từ người quản lý cao nhất đến các tầng quản lý cấp trung và giám sát và nhân viên. Quy mô của nhóm nghiên cứu sẽ thay đổi phụ thuộc vào độ phức tạp của tổ chức (quốc gia, một ngành hay một cơ quan trong ngành), tuy nhiên thông thường một nhóm hay một ủy ban soạn thảo chiến lược có thể bao gồm những thành viên sau:

  • Người đứng đầu tổ chức;
  • Thành viên hội đồng quản trị hay những người lãnh đạo cấp cao của tổ chức;
  • Đội quản trị thực hiện bao gồm các nhà quản lý cao cấp và các nhân viên khác;
  • Các nhà quản lý cấp trung, giám đốc các chương trình, các thành viên giám sát và các nhân viên khác;
  • Hội đồng chất lượng, nếu được thành lập, có thể đảm bảo sự phối hợp của quá trình kế hoạch chiến lược với nỗ lực cải thiện chất lượng của cơ quan.
  • Bộ phận quản lý tài chính;
  • Bộ phận quản lý tài sản;
  • Bộ phận quản lý công nghệ thông tin;
  • Người điều hành hay là điều phối viên của quá trình hoạch định chiến lược.

Nội dung của chiến lược

Thông thường việc lập kế hoạch chiến lược yêu cầu trả lời 4 câu hỏi, và các thành phần của một bản kế hoạch chiến lược cũng tương ứng với 4 câu hỏi này.

  1. Chúng ta đang ở đâu? Trước khi một tổ chức có thể xây dựng một kế hoạch cho một sự thay đổi, đầu tiên họ phải xác định nơi họ đang đứng và những cơ hội cho sự thay đổi đó. Quá trình này bao gồm: việc đánh giá các vấn đề, các tiềm năng từ bên trong tổ chức hay nói cách khác là xác định điểm mạnh và điểm yếu; phân tích các yếu tố từ bên ngoài có liên quan, ảnh hưởng đến việc đạt được sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức – hay nói cách khác là xác định cơ hội và thách thức. Trong quá trình hoạch định chiến lược, một cơ quan cũng nên tham khảo ý kiến từ cơ quan lập pháp và xem xét các quan điểm và đề xuất từ các đơn vị và các bên liên quan khác có khả năng bị ảnh hưởng hoặc quan tâm đến chiến lược của mình.
  2. Chúng ta muốn đi đến đâu? Kế hoạch chiến lược cần xác định được: tầm nhìn- một khái niệm, hay một hình ảnh hấp dẫn mô tả tương lai mong muốn hướng đến của tổ chức; Mục tiêu là kết quả cuối cùng mong muốn – thường ít nhất là sau 3 năm; Mục tiêu cụ thể để có thể đo lường cho các mục tiêu tổng quát.
  3. Làm sao để chúng ta đạt được các mục tiêu đó? Đưa ra các kế hoạch hành động, mô tả chi tiết những sách lược quan trọng để thực hiện từng mục tiêu. Xác định và phân bổ các nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược, bao gồm cả kinh phí vốn, trong khuôn khổ ưu tiên.
  4. Làm thế nào để chúng tôi đo lường quá trình thực hiện chiến lược? Bao gồm các phương pháp được sử dụng để đo lường kết quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình, giám sát và theo dõi thực hiện chiến lược.

Không có một khuôn khổ xác định nào có thể áp dụng cho quá trình hoạch định chiến lược của mọi cơ quan tổ chức. Các cơ quan nên thích ứng quá trình hoạch định chiến lược với nhu cầu quản lý và cấu trúc tổ chức để thực thi một quá trình hoạch định phù hợp.

Thời hạn của chiến lược

Nhìn chung các chiến lược hiện nay có thường có thời hạn thực hiện là 5 năm hoặc ít hơn do sự giới hạn về khả năng dự báo những biến động và tác động trong dài hạn. Tuy nhiên với những chiến lược cần thiết có sự tác động lâu dài do bản chất của tổ chức, ngành, lĩnh vực thì có thể kéo dài hơn 5 năm.

Truyền thông chiến lược

Một kế hoạch chiến lược dù hoàn hảo cũng sẽ có ít giá trị nếu như nó không được hiểu và chấp nhận rộng rãi. Ngược lại nó cần phải được thông báo rộng rãi cho tất các các tổ chức, các cấp ngành, bao gồm cả các thành viên bên trong tổ chức và toàn xã hội. Trong nội bộ, các nhà quản lý và nhân viên cần phải có một sự hiểu biết rõ ràng về kế hoạch chiến lược và vai trò của họ trong đó. Nó là cơ sở để hình thành những hành động hàng ngày một cách nhất quán trong suốt quá trình hoạt động của cơ quan. Đối với bên ngoài, kế hoạch chiến lược cũng cần được thông báo cho các cá nhân và tổ chức có quan tâm, hoặc ảnh hưởng (ví dụ như cơ quan lập pháp, chính quyền địa phương, các nhóm lợi ích và công cộng). Việc này sẽ giúp nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho quá trình thực hiện chiến lược.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Vũ Thành Tự Anh (2012), Thảo luận chiến lược kinh tế quốc gia, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
  2. PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh (2007), Chiến lược phát triển bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược, NXB chính trị quốc gia
  3. California state deparment of finance (1998), Strategy planning guildelines
  4. Darren Swanson and László Pintér (2004), National Strategies for Sustainable Development Challenges, Approaches and Innovations in Strategic and Co-ordinated Action
  5. Henry Min tz berg (1994), Rethinking Strategic Planning Part I: Pitfalls and Fallacies
  6. Henry Mintzberg (1990), The strategy concept I: Five Ps for strategy.
  7. Henry Mintzberg and James A. Waters (1985), Of Strategies, Deliberate and Emergent.
  8. Kevin Littler*, Phil Aisthorpe, Robert Hudson, Kevin Keasey (2000), A new approach to linking strategy formulation and strategy implementation: an example from the UK banking sector.
  9. Luiz Carlos Bresser-Pereira (2006), National development strategy: the key economic growth institution.

Nhóm nghiên cứu

Phòng Nghiên cứu Phát triển các định chế tài chính – Viện CLNH

*** Thomas J.Peters và Robert H.Waterman Jr đã xuất bản quyển In search of excellence: lessons from America’s best ran companies (Tìm kiếm giải pháp hoàn hảo: những bài học từ các công ty vận hành tốt nhất Hoa Kỳ) năm 1982. Chương 2 “Mô hình hợp lý” của quyển sách này đã bêu riếu cách thức xây dựng chiến lược của Micheal Porter. Chương này liệt kê những tác động nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào những phân tích và dự đoán, thay vì vậy, hướng vào quan điểm chiến lược khác, hệ thống hơn, thuộc trường phái Emergent, ngược với trường phái Positionist.

Nguồn bài viết: SBV.gov.vn

cong nghiep 4.0
Chiến lược mục tiêu thành Quốc gia phát triển – Tham vọng thành công với cách mạng công nghiệp 4.0

Trên đây là bài viết chi tiết về các khái niệm Chiến Lược. Từ đó chúng ta có: Chiến lược chiến tranh (quân đội), chiến lược kinh tế (Quốc gia), chiến lược kinh doanh & chiến lược marketing (doanh nghiệp), …. & có cả một chiến lược cuộc đời dành cho ai có tham vọng ?!

Trong tầm nhìn 2045 – Việt Nam chúng ta đang có chiến lược kinh tế Quốc gia trở thành Quốc gia phát triển, với mức thu nhập đầu người cao khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong đó nổi bật & dẫn đầu là chiến lược về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 !

Trên đây là các ví dụ với nền kinh tế quốc gia mang tính vĩ mô, các chiến lược mang tính vĩ mô, chiến lược nằm trong các chiến lược… Quay trở lại với chủ đề kinh doanh & marketing thì bạn có thể tìm hiểu một số bài viết: chiến lược inbound marketing, chiến lược tiếp thị thời đại digital marketing,…

cùng hội cùng thuyền nè:
Ray Dalio – Bài học về nguyên tắc giá trị

Nguyên tắc giá trị của Ray Dalio được nhiều người ngưỡng mộ, nhiều nhà đầu....

Tư duy phản biện – kỹ năng #1 thời đại

Tư duy phản biện là khả năng tư duy suy nghĩ rõ ràng và có....

Các mẫu hình nến Nhật cơ bản

Biểu đồ nến Nhật rất phổ biến trong giao dịch thị trường chứng khoán, TT....

Dự án bất động sản là gì?

BĐS – Bất Động Sản những năm trở lại đây là một từ khóa HOT.....

ChatGPT là gì ? Một bài viết thực hiện bởi ChatGPT / OpenAI

ChatGPT tháng 01/2023 đã tạo nên một làn sóng cộng nghệ mới, 02/02/2023 OpenAI có....

Công cụ theo dõi biến động Cổ Phiếu

Công cụ theo dõi biến động cổ phiếu / thị trường chứng khoán là một....

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *