Chúng tôi đã chuẩn bị quãng thời gian hơn một tháng cho chuyến đi. Cả đoàn ai cũng háo hức, chờ đón vào Huế xem festival. Điều được báo chí giới thiệu liên tục trong thời gian này và Festival Huế cũng là điểm mở đầu cho năm du lịch Miền Trung.

Một Festival Huế trong tôi 4

Chúng tôi ngóng chờ đến sốt ruột khi xe chạy chậm dần vì trời đã về trưa, một chút dừng dọc đường cũng khiến lòng người trở nên ngóng đợi. Sự sốt ruột từ một người lan dần ra cả đoàn bởi chúng tôi còn cả một lịch kín đang chờ.

Thế rồi Phong Điền, Tứ Hạ cứ dần dần đi qua chúng tôi. Tôi đã reo lên khi xe đến ngã ba đường tránh, thế là chỉ còn khoảng 10 cây số nữa, chúng tôi tới Huế. Cây xăng Ngô Đồng nơi có người đã từng đợi tôi ở đó để nhìn dáng xe tôi đi. Cầu Bạch Hổ đang xây dựng mới, rộng và đẹp. Xe lướt nhanh làm tôi cứ ngỡ cây cầu Bạch Hổ cũ, nhỏ xíu, bề ngang mỗi làn chỉ chừng 80 phân đã bị dỡ đi. Tôi từng nói với nhiều người: Cầu Bạch Hổ cũng là 1 trong những đặc sản của Huế.

Điều đó chắc không có gì sai, bởi ai đã từng có dịp đi về trên cây cầu này mới thấy hết sự độc đáo. Có nhiều người Huế hoặc người sống ở Huế không dám đi qua đây vì sợ hãi. Một cây cầu sắt, phân thành 2 làn (ngược – xuôi), mỗi làn chỉ rộng chừng 80 -100 phân. Phải vững tay lái mới có thể đi được qua đây bởi khoảng cách quá hẹp đó, bên dưới những lớp song sắt là dòng sông Hương chảy trôi, nhè nhẹ nhưng cũng đủ hù dọa những trái tim yếu ớt. Rồi tròng trành tay lái chút thôi là có thể va vào cầu. Lại thêm chuyện, ai nỡ điệu đà mặc váy mà qua cầu này phải nép thật sát bên hông xe kẻo chân chạm vào thành cầu và làm khó cho người cầm lái. Mỗi lần qua cầu, thở phào nhẹ nhõm là cảm giác của số đông người đi lần đầu. Ấy vậy mà hầu như lần nào đến Huế, tôi cũng đi về qua cây cầu này. Có lần còn tự chạy xe qua đây. Có lẽ vô tình cầu Bạch Hổ trở thành một “trò chơi mạo hiểm” của tôi.

Xe dừng ở bến xe Nguyễn Hoàng, chúng tôi gọi nhanh một xe taxi, leo vội khi xe đang dừng giữa đường. “Dục tốc bất đạt”, anh công an tiến tới bắt phạt lái xe. Chúng tôi nỉ non xin giúp rồi gọi điện cầu cứu. Biên bản phạt 400 ngàn đã được ký, nhìn anh taxi mà tội quá.

Trưa đó về tới khách sạn, nhanh chóng chúng tôi hòa nhập vào Huế. Cả đoàn ai cũng háo hức chạy đi may áo dài. 7 cô gái – 7 chiếc áo dài. Nhưng đó dừng lại là dự định vì quá đông nên chúng tôi không lấy được áo dài ngay, đành phải để lại 1 tuần sau nhận để xúng xính ở Hà Nội.

Bữa trưa đầu tiên của đoàn là các món bánh ở quán Bà Đỏ. Sau 8 năm, tôi trở lại ăn tại đây. Chủ quán vội vã chuyển lên từng phần bánh mà nhà hàng có, chỉ trong tích tắc những du khách háo ăn đã thưởng thức xong sau khi đã nhanh chóng chụp hình từng món. Những bèo, ram ít, nậm, lọc, khoái, rồi nẹm lụi, chả giò được thu vào từng chiếc máy ảnh để có dịp được giới thiệu trên từng trang mạng của mỗi cá nhân như một bằng chứng về nét ẩm thực Huế.

Chúng tôi trở về khách sạn gặp những người bạn sẽ đồng hành trong chuyến đi trên Phá Tam Giang.

Chú Võ Quê đã chờ ở đó từ bao giờ. Anh Thảo giới thiệu anh về lịch trình tham quan và giới thiệu người dẫn đoàn cho chúng tôi. 2 chiều xe rời Huế đến phá Tam Giang. Một quãng đường không quá xa nhưng cảnh sắc thì thay đổi dần dần từ thành phố ra đến ngoại ô, từ đồng bằng trở về miền đầm phá. Vòm trời xanh biếc, cao lồng lộng, lúa xanh trổ bông đang tuổi xuân sắc, nước non cả một vùng ven đầm phá cứ mở rộng trước mắt. Một đàn vịt dắt nhau qua đường cũng làm cả đoàn chúng rôi thích thú, không phải vì lần đầu được thấy mà bởi sự thanh bình đến lạ, nét đẹp đến dễ thương.

Biển trên vùng đầm phá thật quá đẹp. Mọi ngôn từ như lú lẫn trong tôi để khó có thể diễn đạt. Một rừng thông chắn cát xanh rì rào hát ca. Một bãi cát trắng mịn màng dưới những gót chân mềm. Một vùng biển xanh mát dịu, sóng vỗ nhấp nhô. Chúng tôi chỉ kịp reo lên rồi ào xuống biển. Nhảy múa, bơi lội, ngụt lặn, chơi đùa hồn nhiên như sống trong chính những ước mơ không còn màu mè của chính mình.

Rời biển, chúng tôi được đưa đi thăm một số điểm lao động truyền thống của người dân đang được anh Thảo đưa vào để tạo thành điểm thăm quan, du lịch vùng phá này. Giữa cái nắng đến hơn 30 độ, chiếu thẳng vào những cô gái thành phố vốn giữ gìn từng chút cho làn da mình, giờ bỗng lãng quên để tận hưởng một cách sung sướng nhất cuộc sống nơi đây. Chúng tôi thay phiên nhau đạp guồng quay nước. Ôi sao chú Võ Quê có phải nông dân đâu mà đạp dẻo thế kia. Còn chúng tôi giống như những mô hình ngồi trên đó, thích thú và cảm nhận theo cách của chúng tôi.. Chúng tôi ghé qua điểm xay, sát gạo theo mẫu hình xưa. Hạt lúa vàng, mẩy mẩy, tròn căng cho vào cối xoay. Quay đều quay đều thì cối mới tróc được lớp vỏ trấu để lộ hạt gạo còn nguyên cám hơi nâu nâu màu đất mẹ, có chút vàng vàng của nằng. Hạt gạo xay theo cách này không bị rơi tấm nên nhìn hạt gạo càng đẹp hơn, căng tròn và đầy đặn. Gạo được vét xung quanh cối cho ra sàng để sẩy. Gạo theo tay người bay lên, nẩy xuống, nhịp nhàng, Nắng xuyên qua tấm liếp in lên khuôn mặt người nông dân Huế. Tôi đã thu được góc hình đó, gió hẩy những vỏ trấu về phía trước tay sẩy, như thể một cách trong “để gió cuốn đi” chỉ còn lại đây hạt gạo nguyên sơ mang cho đời những miếng ngon từ đất.

Trời đã về chiều, nắng đổ vàng trên phá.

Chúng tôi lên thuyền đi dọc 1 vùng phá. Trải dài hết tầm mắt tôi chỉ thấy nước xanh, trời ngả vàng trong ráng chiều đẹp đến mê dại. Vang lên trong không gian là giọng hò, điệu ngân cùng những câu chuyện về vùng phá cuốn chúng tôi trở về những ngày xưa của vùng đất này. Lành dữ đều đi qua nơi đây. Nhưng phá Tam Giang như vẻ đẹp của những điệu hò chưa bao giờ mất đi.
Một Festival Huế trong tôi 5
Chiều trên phá tam giang

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất nên con người càng trở nên hiền lành, thật thà. Cúi xuống là cá bay từng đàn trên mặt nước, bơi lặn dưới dòng, cua bò vào tra cả đàn. Thế nên giống cá Trích dù là đặc sản vào mùa này ở đây nhưng người dân xem như món quà của biển tặng cho du khách chỉ với 15 ngàn được 50 con cá đã được làm chín, phơi khô và có thể ăn ngay.

Tối đó, đoàn được ăn ở nhà chú Tuyến, cô chú chuẩn bị cho chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn với các món ăn của vùng như món cá chim kho, canh cá lưỡi trâu nấu với cây chua me – măng tươi, rau muống xào chung với rau bí,…

Trở về Huế, ai cũng ngấy ngây và quên đi những mệt mỏi của một ngày dài đi chưa được nghỉ ngơi để nhanh chóng hòa mình trong không gian Đà Lạt hoa tại XQ cổ độ nơi có triển lãm ra mắt giấy “Trúc chỉ” và sắp đặt của hai người bạn tôi.

Tại đây, tôi đã gặp được hầu như tất cả những người bạn Huế. Thân tình, rạng rỡ. Có người nói tôi như đang ở chính nhà mình. Điều đó làm tôi hạnh phúc.

Đêm đó, tôi đưa các bạn lên ga Huế để uống trà. Ai chưa đến Huế nghe đến điều đó thường thấy bất an nhưng bạn phải lên đây, uống 1 ấm trà, nếu biết hút thuốc lào bên ánh đèn dầu hắt ra từ mỗi chiếc bàn nước mới thấy Huế bình yên là vì sao. Giờ các quán trà ở đây chỉ mở đến 11h đêm là đóng cửa nên đó cũng là điều nuối tiếc của nhiều du khách như tôi. Bởi 12h đêm tàu xa mới ghé qua Huế để vang lên vài hồi còi, rồi nhanh chóng rời đi. Một vài dáng người từ nhà ga bước ra, họ trở về với những giấc mơ với mảnh đất này.

Sáng hôm sau, các bạn dậy từ sớm, đi dọc trên những con đường Huế bên bờ sông Hương, ghé chợ mua ít đồ ăn. Rồi chúng tôi ùa đến ăn sáng tại quán Bún hẻm (ngay trong chè hèm đường Hùng Vương). Vài bạn mặc áo dài khiến nhiều người ở đây nghĩ chúng tôi là 1 đoàn biểu diễn nào đó. Cũng hân hoan chứ nhỉ?! Ai cũng khen bún bò ở đây ngon và chẳng ai bỏ phí chút đồ ăn nào.

Quán Chiều trên đường Đặng Thái Thân là điểm uống cafe đầu tiên tại Huế của cả nhóm. Ai cũng khen cafe ngon và âm nhạc liêu trai nhưng có lẽ với tôi, một tối ngồi ở Chiều trong ánh nến vàng, ánh đèn đường hắt vào cũng vàng và một nỗi lòng đang chứa chất mới đủ sự mênh mang cho giọt nước mắt khó cầm. Đó là lúc những nỗi lòng được trải ra, nói với người mà như nói với chính mình. Đó là lúc những thứ tha được tỏ bày (dù chẳng có giận hờn nào còn lại nữa). Là cả những ước mơ, dự định được sẻ chia, cả lời từ biệt cuối cùng với Huế.

Một Festival như thế trong tôi 50

Ghé qua Codes trong chốc lát, tôi cảm nhận được những khó khăn của trung tâm và cả tấm lòng đang nỗ lực của mọi người vì những tiếng cười nói của các em thiếu nhi đang vang lên trong khoảng sân. Mỗi tấm lòng đóng góp là một chia sẻ nhỏ không chỉ với trung tâm mà với từng bé con của mảnh đất này.

Xe đưa chúng tôi lên nhà vườn An Hiên, một trong những nhà vườn đón tiếp khách du lịch.

Chúng tôi lắng nghe những biến thiên của lịch sử đối với nhà vườn để biết trân trọng hơn việc giữ gìn của người dân, để cảm thấy việc thu phí của nhà vườn là hợp lý. Chúng tôi tung bay áo dài ở đây. Thỏa sức mình tận hưởng từng góc đẹp để mặc phó nháy vất vả phía sau. Công sức của chúng tôi là những khuôn hình đẹp (đẹp theo cách tôi cho là thế). Tôi bằng một cách vô tình nào đó trong suốt chuyến đi này mọi khách tham quan hay người dân đều nghĩ tôi là o Huế. Đó cũng là một hạnh phúc tôi được nhận về.

Một Festival như thế trong tôi 49

Chúng tôi dừng chân ăn tại Thảo Trang Viên, nơi tôi từng trở về Huế lần thứ 3 và từ đó thường trở đi trở lại. Vẫn không gian đó, nhưng hôm nay nắng không tràn ngập chỉ có tiếng ve vẫn rộn rã ngoài kia. Chỉ có tôi là cũ trong bàn tiệc này còn tất cả đều mới với những cảm xúc mới. Anh vẫn mải miết chụp hình cho chúng tôi mà quên đi thời gian đã trôi qua nhanh quá. Chúng tôi nâng ly, chúc nhau ngày gặp mặt và hẹn nhau ngày trở lại Huế. Chỉ với ly coca, giọng ca của chú lại vang lên. Nẩy và căng tràn nhựa sống, căng đầy những nhiệt huyết và cảm xúc.

Chiều đó Huế mưa,

…chúng tôi không lên Huyền Không Sơn Thượng như đã định. Lang thang qua mấy triển lãm. Gặp lại bạn, những vòng tay ôm sao thật quá gần, cho ấm lòng trong chiều mưa lạnh. Huế là thế, cứ mưa là lạnh, cái lạnh đến se buốt, để vòng tay ôm ấm cả đường về.

Tối đó chúng tôi không đi xem khai mạc vì nghĩ mắc mưa nên kéo nhau đi ăn bánh canh cua rời, chè hẻm và đi hát. Chúng tôi thi nhau hát tưởng chừng sẽ chẳng ai đạt được 100 điểm, mà sao ai cũng hát hay quá. Bảng tổng sắp chỉ toàn số 100. Ca sỹ vào Huế đi hát không lấy cát-sê là chúng tôi.

Đêm khuya dạo bộ tìm hàng ăn, ai cũng cảm nhận Huế đang ngấm vào da thịt mình. Mai về rồi nhanh quá, Huế ơi.

Ngày cuối cùng cả đoàn ở Huế, chúng tôi vào Đại Nội, Đại Nội đang chuẩn bị cho các buổi biểu diễn nên mọi không gian đều bị phá vỡ. Khách tham gian nhiều quá. Cảm giác trong tôi là sự lộn xộn. Nét thâm nghiêm bị phá vỡ. Tôi may mắn bắt gặp hình ảnh một cụ bà người Bắc ngồi bình thản nhai trầu, tay cầm miếng trầu quyệt qua quyệt lại trên hàm răng nhuộm đen, đầu chít khăn mỏ quạ. Thật lạ cái cảm giác lúc đó.

Mùa này ngô đồng ra hoa, 22 lần đến Huế, giờ mới được ngắm hoa ngô đồng. Quả là may mắn. Khi tôi thốt lên, một vài khách du lịch cũng ngước nhìn theo tay tôi, họ ngỡ ngàng trước cây ngô đồng cao sừng sững đó. Ai cũng nghĩ ngô đồng là giống cây cảnh trồng trong chậu. Ngô đồng là giống cây quý trong Đại Nội, một chiếc lá ngô đồng rụng xuống thì như mùa thu Huế đã về đó là lời bạn tôi từng nói.

Chiều đó, cả đoàn về Hà Nội trong những điều còn dang dở, trong cả những băn khoăn, có cả những cảm xúc giằng co giữa đi và ở lại. Chỉ mình tôi ở lại Huế thêm 1 ngày. Để khóc thêm 1 lần, để bơ vơ hết cho 1 lần. Để và để…

P/s:

Hoa ngô đồng tím ngắt chiều thơm
Anh mời em ngắm màu hoa tím
Hiểu nhau rồi tình yêu bất biến
Chim phượng hoàng gọi bạn đậu cành ngô

(Hoa Ngô đồng – Những bài thơ hoa, Võ Quê).

P/s: ó một Huế – một bóng hình, có món ngon xứ Huế, có một Huế với rất nhiều lăng tẩm cổ kính, một cố đô giữa miền trung Việt Nam

Có một Huế rất đầy đủ chi tiết tại đây

cùng hội cùng thuyền nè:
Nghi lễ tế Trời – Đàn Nam Giao Huế

Khi vừa lên ngôi vua Gia Long cho lập đàn Nam Giao ở làng An....

Trekking đỉnh Sa Mu | U Bò | Tà Xùa

Trekking khám phá đỉnh núi Sa Mu | U Bò mang lại nhiều trải nghiệm....

Nhậu trên hồ Thủy Điện Na Hang

#thenaynhe Bám tour phượt theo hội YB lên hồ thủy điện Na Hang. Không ngờ đẹp....

Pù Luông trong mây

Pù Luông vài năm trở lại đây là điểm đến cuối tuần đầy thú vị....

Mù Cang Chải – Ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới

MCC – Mù Cang Chải đẹp quanh năm vì mỗi mùa một loài hoa, một....

Săn mây Tà Xùa còn dễ hơn gặp lại nyc?

Tại sao phải săn mây Tà Xùa cơ chứ! Sự thật là ở Tà Xùa....

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *