Con Đường Hạnh Phúc – Một cái tên rất đẹp! Nhưng bạn có biết vì sao có một con đường mang tên Hạnh Phúc ? Bất kỳ một cái tên được đặt ra ở đâu, cho cái gì đều có nguyên do của nó! Và con đường Hạnh Phúc cũng có một lý do rất đặc biệt !

Hạnh Phúc Là Ước Mong Ngàn Đời

Theo Báo Hà Giang – Để có được con đường mang tên “Hạnh phúc” nối thị xã Hà Giang (bây giờ là TP.HG) với 4 huyện vùng cao phía Bắc, 14 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lạị trên cao nguyên đá.

Thuở ấy, 4 huyện vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ là một huyện mang tên Đồng Văn, huyện lỵ đặt ở thị trấn Phó Bảng. Vùng đất rộng bằng cả tỉnh Bắc Kạn với 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu, vì hệ thống giao thông chỉ là đường mòn, phương tiện giao thông chỉ có ngựa và đôi chân của con người.

phượt hà giang
Dốc Thẩm Mã – Cung đường đèo mang tên Hạnh Phúc – QL4C

Hạnh Phúc Là Tên Một Con Đường

Để có một con đường đẹp mang tên Hạnh Phúc – Mà giới trẻ, chúng ta hôm nay được phượt vi vu, được phượt Hà Giang để thỏa thê ngắm ngía mây núi, được hít hà cái gió trời của một di sản cao nguyên đá…thì đã có bao nhiêu xương máu đã phải đổ xuống nơi đây !

Người Pháp đến Hà Giang từ năm 1900, họ đã từng khảo sát, từng muốn mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa.

Năm Khải Định thứ 13 (1928), chính quyền phong kiến Nam Triều chính thức có sắc phong “Biên viễn khả phong đại thần” cho “Vua Mèo” Vương Chính Đức, sau đó Vương Chí Trung (Sình) kế vị. Hai cha con “Vua Mèo” sở hữu vựa thuốc phiện dồi dào bậc nhất Đông dương thời ấy, lại là ông chủ chợ Đồng Văn, nơi được coi là “Hồng Công” của vùng cực Bắc Việt Nam, tiền bạc không thiếu và cũng từng ôm mộng mở đường mà đành ngậm ngùi chịu thua, để rồi mỗi lần về xuôi lại phải huy động hàng chục tráng đinh khiêng kiệu đi bộ ròng rã 3-4 ngày mới xuống được tới tỉnh lỵ Hà Giang.

Không thể để vùng đất ấy mãi biệt lập, ngày 29.3.1959, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (khóa III) họp và ra Nghị quyết đề nghị Trung ương và Khu tự trị Việt Bắc cho mở tuyến đường lên Đồng Văn. Được Trung ương và Khu tự trị đồng ý, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10.9.1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông – Vận tải; Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường “Hạnh phúc”.

Sau Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, có lẽ đường “Hạnh phúc” là công trình thu hút thanh niên trong cả nước xung phong tham gia nhiều nhất. Hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong (TNXP) từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá bắt tay vào phá núi mở đường.

Với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít…, trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh, vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá, cả ngàn người lao vào đục đá làm đường.

Đèo Mã Pí Lèng

Có một con đường mang tên: Hạnh Phúc !

Bởi con đường ấy mang theo bao tâm nguyện, bao ước mong & Bao máu xương đã đổ xuống ! Con đường mới khởi công được hơn 2 tháng thì bọn thổ phỉ và tàn dư Quốc dân đảng nổi lên hoành hành khắp nơi. Ngày 30.11.1959, một trung  đội phỉ 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt Cổng Trời Cán Tỷ, cắt đứt con đường mòn huyết mạch từ Hà Giang lên Đồng Văn.

Hôm sau, toán phỉ chặn Cổng Trời đã tấn công bắt giữ hai đoàn ngựa thồ hàng của tỉnh lên Đồng Văn, đuổi cán bộ quay trở lại. Một tuần sau đó, hàng loạt địa bàn trên toàn huyện bị thổ phỉ cướp phá, chúng lùng bắt cán bộ, đốt nhà, cướp của.

Từ ngày 12 đến ngày 28.12.1959, hàng loạt cuộc tấn công của phỉ nhằm vào bộ máy chính quyền cơ sở nổ ra. Vàng Chúng Dình, một tàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc dẫn 200 tên phỉ tấn công thị trấn Đồng Văn, Vàng Dúng Mỷ đánh phá Mèo Vạc, cướp cửa hàng mậu dịch.

Ngày 20.12, đầu lĩnh Phàn Chỉn Sài đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, Bạch Đích, bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính bắn.

Ngày 28.12, Giàng Quáng Ly chiếm Yên Minh, Vàng Chỉn Cáo, Phàn Dền chiếm Cán Tỷ, Đông Hà (Quản Bạ). Lúc này tuy các địa phương ở Đồng Văn đều đã có chính quyền dân cử, nhưng các vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn nằm trong tay những người xuất thân quý tộc lớp trên, quyền lực hành chính vẫn gắn chặt với quyền lợi của dòng tộc, gia tộc. Lợi dụng tình hình này, các nhóm tàn quân Tàu Tưởng đã tìm cách móc nối, câu kết, ra sức kích động nổi loạn, chiếm đất, nhằm mục tiêu thành lập “Vương quốc Mèo độc lập”.

Chúng cho tay chân loan tin, rằng “Vua Mèo” Dương Trung Nhân ở Mèo Vạc được Mỹ và quốc tế ủng hộ sắp trở về Đồng Văn. Những toán tàn quân Quốc dân đảng  bị quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đuổi chạy dạt sang biên giới được tô vẽ thành “các đạo quân quốc tế” giúp “Vua Mèo” khôi phục lãnh thổ thành lập vương quốc. Thổ phỉ còn tung tin lừa bịp dân, rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, dê đực biết đẻ, mộ những người làm đường hóa thành cỏ dại, thì Việt Minh mới mở được đường vào Đồng Văn, mới xuyên qua được “sống mũi ngựa” (Mã Pí Lèng).

Sông Nho Quế – Dưới chân đèo Mã Pí Lèng

Mã Pì Lèng sông Nho Quế
Mã Pì Lèng & sông Nho Quế – Img Credit: Vnexpress

Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia công trình có một không hai này đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, lao động miệt mài nơi rừng thiêng nước độc và loạn lạc. Thời gian đã khẳng định ý chí của họ khi từng đoạn, từng đoạn đường được nối thông. Ô tô lần lượt qua Cổng Trời, vượt sông Tráng Kìm, qua Cán Tỷ (Quản Bạ); rồi dốc 9 khoanh… ngày 9.9.1963 con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn.

Sau hơn 4 năm, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành trong muôn vàn gian khổ hy sinh của hàng ngàn thanh niên xung phong và sự góp sức của hàng ngàn dân công vùng cao. Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng.

Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa.

Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng – ti – mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”.  Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé.

Có một con đường mang tên: Hạnh Phúc ! 3
Lễ thông xe cung đường 1965

Chính vì vậy, đoạn đèo Mã Pí Lèng 9 khoanh dài 20 km được coi là công trình “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam.

Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường “Hạnh Phúc” nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà đã trở thành di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.

Khu vực đỉnh đèo Mã Pí Lèng còn được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh lý tưởng nhất, từ đây có thể ngắm nhìn khung cảnh núi tiếp núi trập trùng hùng vĩ nhất, đẹp nhất Việt Nam. Hẻm vực sông Nho Quế kéo dài, sâu hút dưới chân đèo là một thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị, góp phần tạo nên những sắc thái kỳ lạ, hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. (BaoHaGiang.vn)

Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hà Giang. Khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu thì mang ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi vậy sao không gọi tên là đường Hạnh Phúc. Từ đó con đường mang tên Hạnh Phúc

doc tham ma ha giang
Dốc Thẩm Mã trên cung đường Hạnh Phúc – ImageCredit: NSUT Chiều Xuân

Dốc Thẩm Mã – Một trong 2 điểm được check_in nhiều nhất tại Hà Giang, trên cung đường mang tên Hạnh Phúc! 

Thế nhé! Mời bạn ghé thăm Hà Giang, thăm cung đường mang tên Hạnh Phúc để cảm nhận thấy đất trời quê hương mình dài rộng và đẹp biết bao. Để thêm yêu quê hương, yêu & trân quý cái dòng máu đang chảy trong huyết quản của bạn <3

phượt hà giang
NON NƯỚC HÀ GIANG ĐẸP VÔ CÙNG – MỜI BẠN GHÉ THĂM

HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ CÁI ĐÍCH – HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG TA ĐI !

Vậy nên, nếu bạn chưa tới.. Hãy thử tới đây coi sao. Có thể bạn thể bạn sẽ cảm nhận thấy một hạnh phúc mới mẻ, tràn đầy năng lượng trong một không gian, khí trời mà chỉ nơi đây mới có!  

cùng hội cùng thuyền nè:
Kinh thành Huế – Quá trình xây dựng & hình thành

Du lịch Huế & khi nhắc đến cố đô Huế, đa phần người ta nhắc....

Nghi lễ tế Trời – Đàn Nam Giao Huế

Khi vừa lên ngôi vua Gia Long cho lập đàn Nam Giao ở làng An....

Trekking đỉnh Sa Mu | U Bò | Tà Xùa

Trekking khám phá đỉnh núi Sa Mu | U Bò mang lại nhiều trải nghiệm....

Nhậu trên hồ Thủy Điện Na Hang

#thenaynhe Bám tour phượt theo hội YB lên hồ thủy điện Na Hang. Không ngờ đẹp....

Pù Luông trong mây

Pù Luông vài năm trở lại đây là điểm đến cuối tuần đầy thú vị....

Mù Cang Chải – Ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới

MCC – Mù Cang Chải đẹp quanh năm vì mỗi mùa một loài hoa, một....